Trang Nhà

Phần Việt Ngữ

Văn Hóa

Phật Giáo

E-books

Hình Ảnh Việt Nam

Dành cho Hội Viên

 

Tam Bảo Sơn - Đại Tòng Lâm

 

Vào ngày 20 tháng 7, 2011, tôi đáp máy bay đến Ottawa, đem theo hai va li và một xách tay đựng đầy sách: 60 cuốn Vu Lan Cảm Tác và 37 cuốn But Buddha Clearly Shows The Way. Những ngày sau đó tôi rất bận rộn gói các cuốn sách để tặng bạn bè và gia đình ở Ottawa, cùng gởi sách tặng đi Montreal và Toronto.

Sau khi công việc hoàn tất, tôi có được vài ngày nghỉ ngơi trước khi đáp máy bay về. Tôi cùng Thanh, Thức, và Hoàng đi thăm Tam Bảo Sơn, một tu viện Phật Giáo ở địa hạt Harrington thuộc tỉnh bang Quebec. Chúng tôi khởi hành lúc sáng sớm ngày 23 tháng 7 và đến nơi khoảng 9 giờ rưỡi sáng. Chúng tôi đi dạo quanh tu viện, ngắm các bức tượng và các công trình xây cất, chụp hình và thưởng lãm cảnh núi rừng bao la.


Tam Bảo Sơn nằm trong khu núi rừng Đại Tòng Lâm rộng trên 1,000 mẫu đất, chỉ có một phần nhỏ diện tích núi rừng được khai thác thành các khuông viên chung quanh tu viện. Nét đặc biệt của các khuông viên này là các bức tượng được xếp thành từng nhóm diễn tả lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay các bức tượng tiêu biểu cho các vị Bồ Tát và A La Hán trong Phật Giáo.

 

 

 

Vườn La Hầu La

Chúng tôi đến sớm, lại không nhằm vào ngày có lễ hội nên chùa vắng vẻ yên tĩnh. Qua cổng chánh bên phải là một vườn nhỏ - Vườn La Hầu La.     

Tôi không rõ sao vườn này lại có tên La Hầu La. Lẫn trong đám cây thông thẳng cao là một nhà mát (gazeebo) mái cong, giữa nhà là tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trên một bàn thờ bày trái cây cùng nhang, đèn; bên cạnh là thùng phước sương và mấy ống tre đựng thẻ xăm. Đằng sau tượng là một bức vách gỗ giắt đầy các phiếu đoán xăm. Té ra Vườn La Hầu La là nơi để cho bá tánh tới xin xăm cầu Đức Quán Thế Âm cho biết vận may rủi và để cầu tài cầu lộc chăng? Thật là một hình thức mê tín mà Đức Bổn Sư Thích Ca không bao giờ dạy chúng ta!

 

Chánh Điện

Tiếp theo là sân gạch có tượng Thiên Vương, tượng Đức Di Lặc Tôn Phật, rồi đến tòa nhà dành cho các buổi sinh hoạt, nhà bếp và nhà trai soạn; các vị Phật tử đang bận rộn lo nấu buổi cơm trưa. Bên trái là chánh điện, hôm đó chánh điện khóa cửa nên chúng tôi không vào lễ Phật được. Giữa sân gạch trước chánh điện là tượng Đức Phật A Di Đà, từ đó nhìn thẳng ra là lối đi lót gạch, hai bên gồm 18 bức tượng các vị A La Hán sơn màu kim nhũ, mỗi bên 9 tượng.

 

 

 

Phổ Đà Đạo Tràng

Bên trái chánh điện là hồ nước thả bông súng trắng, cầu Thanh Lương bắc qua hồ nước dẫn tới Phổ Đà Đạo Tràng (Avalokitesvara Gaya). Một tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát rất lớn đứng sừng sững giữa cảnh núi non hùng vĩ, hai bên đạo tràng là các tượng Đức Quán Thế Âm khác xếp hàng dài, mỗi bên sáu tượng. Các bức tượng này do Phật tử cúng dường, hình như được đúc từ một khuôn và mỗi tượng sơn nhiều màu rực rỡ. Điều nổi bật là các bức tượng không theo một tỷ lệ đầu, bàn tay, thân, nhứt là tượng đứng chính giữa cuối đạo tràng: đầu và hai bàn tay quá lớn so với toàn thân tượng.

 

 

 

Tượng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát

Chúng tôi rẽ qua trái đi lần tới nhà chuông. Dọc đường, chúng tôi lại gặp bức tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi tượng Đức Phật Di Lặc, tượng Phật mười tám tay. Nhà chuông bằng gỗ sơn màu đỏ nằm trên dốc lên thoai thoải, ngay trước nhà chuông là tượng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Mà sao lạ, tượng Đức Địa Tạng tay cầm thiết trượng nhưng đầu không đội mão? Nhà điêu khắc vô tình hay cố ý quên chi tiết quan trọng này? Các cây cột đỏ nghiêng không thẳng đứng, hàng rào quanh tháp chuông có vài chỗ ngả nghiêng long đinh sứt ốc.

 

 

 

 

Chánh Mạng Đạo Tràng

Tiếp tục lên con đường dốc, chúng tôi đến Chánh Mạng Đạo Tràng. Đây là một sân lớn lót gạch gồm có tượng Đức Thích Ca Mâu Ni cầm bình bát đi khất thực, chung quanh lại là 10 bức tượng Đức Quán Thế Âm y hệt khuôn như các bức tượng đã thấy ở Phổ Đà Đạo Tràng, và cùng sơn các màu xanh, đỏ, vàng, hồng. Vì sao tượng Đức Thích Ca Mâu Ni tả lại lúc ngài đi khất thực ở thế gian lại có 10 tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát quây quần chung quanh? Người dựng các tượng này đã xao lãng yếu tố không gian và thời gian một cách trầm trọng: cảnh tại đây tả lại lúc Đức Phật đi khất thực ở thế gian mà!

 

 

Bồ Đề Đạo Tràng

Qua các bãi cỏ xanh là tới Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhigaya Road). Một cầu thang 108 bực xuyên qua rừng cây cao vút dẫn lên nơi trưng bày cảnh Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền trước gốc cây bu lô (birch) năm nhánh; nghe đâu lúc khởi đầu công trình xây Đại Tòng Lâm cây có bảy nhánh, sau một trận giông bão, hai nhánh đã gãy đổ. Cũng như tất cả các tượng ở trong khuông viên Tam Bảo Sơn, tượng này có phần đầu to quá khổ so với phần thân mình. Áo cà sa vắt ngang bán thân tượng không có nếp xếp, mà thẳng trơn và dính sát vào thân tượng như một bộ áo thợ lặn màu vàng nghệ. Tất cả cho ta cảm tưởng rằng người thợ tạc tượng một cách vội vã; và tất cả các tượng ở Tam Bảo Sơn đều được tạc một cách vội vã như thể để giao đúng hẹn cho khách đặt hàng chăng?

 

 Vườn Lâm Tì Ni

Sau Bồ Đề Đạo Tràng là Vườn Lâm Tì Ni. Lại một thứ tự thời gian đảo ngược: sao cảnh Thái tử đản sinh lại được xếp sau cảnh ngài thành đạo đắc quả bồ đề? Tượng Thái tử sơ sanh bước trên hoa sen, Hoàng hậu Maya đứng nhìn từ xa, con voi trắng (mà Hoàng hậu nằm mơ thấy khi thọ thai Thái tử) đứng bên cạnh đóa sen nở: tất cả là một bối cảnh rời rạc gượng gạo bất kể thời gian.

 

 

 

Lộc Uyển Đạo Tràng

Chúng tôi lần bước lên Lộc Uyển Đạo Tràng (Isipatana Gaya). Nơi đây, tượng Đức Phật Thích Ca được thếp vàng, ngồi giữa năm đệ tử lúc ngài giảng bài pháp đầu tiên. Năm vị sa môn mặc áo cà sa, đầu cạo trọc nhưng để râu quai nón đen mướt như các chiến sĩ giác đấu La Mã thời cổ.

 

 

 

Câu Thi Na Đạo Tràng

Tiếp theo Vườn Lộc Uyển là Câu Thi Na Đạo Tràng (Kusinara Gaya) nằm trên một dốc cao, diễn tả lại cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn. Đây là một sân lớn lót gạch, giữa là một nhà kiếng, trong nhà kiếng là tượng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật lúc nhập Niết Bàn. Tượng nằm dài nghiêng bên phải trên một bông sen lớn hình chữ nhựt. Sao bông sen lại hình chữ nhựt mà không tròn? Có lẽ vì nếu tạc hình cái giường cỏ như trong truyện, nhà điêu khắc sợ mang tội với Phật chăng? Tất cả những gì quanh Phật đều phải là hoa sen cao quý chăng? Chung quanh nhà kiếng là tượng các vị Bồ Tát và A La Hán. Các tượng này sơn màu kim nhũ, mỗi tượng có một tấm bia ghi tên và lịch sử về vị đó.

Từ trên bao lơn sân gạch nhìn ra, cảnh núi non hùng vĩ bao quanh gây cho khách viếng chùa một cảm giác lâng lâng thoát tục.

* * *

Hai tháng sau tôi lại có dịp đến viếng chùa. Lần đó tôi đi với Thoa, Mai, Tường, và Tín. Năm người chúng tôi đến nơi lúc gần giờ ngọ nên chúng tôi ghé vào nhà trai soạn dùng cơm chay trước. Rừng núi đã chớm điểm lấm tấm màu thu. Cảnh chùa có một vài thay đổi như: các tượng Bồ Tát và A La Hán dọc hai bên đường nhìn ra từ chánh điện đã được sơn đủ màu sặc sỡ, chớ không một màu kim nhũ như trước. Hôm đó chánh điện mở cửa nên chúng tôi vào lễ Phật; chánh điện chỉ có tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đặt sau tượng ba vị trong Liên Trì Hội Thượng Phật Bồ Tát: Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Phật A Di Đà, và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát.

Ngoài bức tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát ở nhà chuông, chùa mới dựng thêm một tượng Đức Địa Tạng ở khoảng đất trống trước khi tới Câu Thi Na Đạo Tràng. Bức tượng này rất lớn trên một khu đất lót gạch khang trang; tiếc thay, ngài Địa Tạng cũng vẫn chỉ có thiết trượng cầm tay mà không đội mão.

Tôi cứ ngay ngáy tiếc cho một dải đất đẹp giữa núi rừng hùng vĩ trang nghiêm u tịch, lại là chỗ để bày những công trình nắn tượng thô thiển. Lối sắp xếp các tượng để ghi lại cuộc đời siêu việt của Đức Thích Ca Mâu Ni lại quá ấu trĩ, cẩu thả. Màu sắc rực rỡ cùng lối trang trí cầu kỳ trên các bức tượng thể hiện cái tâm ưa chuộng sự hào nhoáng của thế gian.

* * *

Cho đến một ngày…

Tôi tẩn mẩn giở cuốn Kinh A Di Đà diễn nghĩa của Hòa thượng Tuyên Hóa ra đọc. Ở trang 74, nhân giảng về “thứ lớp mà khất thực”, Hòa thượng kể lại chuyện Tôn giả Tu Bồ Đề và Tôn giả Đại Ca Diếp.

Thứ lớp khất thực” là sao? Tức là ngừng lại ở mỗi nhà khất thực, không bỏ nhà người nghèo khổ mà đến nhà người giàu có để khất thực. Không thể lựa chọn mà phải bình đẳng.

Tôn giả Tu Bồ Đề chuyên đến nhà người giàu khất thực mà không đến nhà người nghèo; ngài luận rằng: người giàu nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau sẽ nghèo khổ, nên ngài tạo duyên cho họ làm lành. Ngược lại, Tôn giả Đại Ca Diếp chuyên đến nhà người nghèo khất thực; ngài cho rằng người nghèo rất đáng thương vì kiếp trước không tạo phước lành, cho nên ngài tạo duyên cho người nghèo gieo hạt giống lành cho đời sau. Cả hai vị trình bày lý do của mình, Đức Phật quở cả hai vị đều có tâm phân biệt không bình đẳng.

Nghĩ lại, tôi thấy mình quả có tâm phân biệt nên cho rằng các bức tượng ở Tam Bảo Sơn màu sắc quá rực rỡ, quá quê mùa và lại bày lộn xộn không theo thứ tự thời gian; tôi có ý khen chê bài bác vì tôi chờ đợi một công trình mỹ thuật tuyệt tác cho xứng đáng với cảnh trí u nhã trang nghiêm. Phải chăng các nghệ nhân tạc các bức tượng đó đã tạc tượng với một tấm lòng thành kính vô biên, và dùng các màu sắc rực rỡ để tô điểm cho những gì họ sùng kính nhứt? Màu sắc đó tôi chê là quê mùa, nhưng đối với họ, đó là tột đỉnh của nghệ thuật chăng? Tôi cần phải dẹp bỏ cái tâm phân biệt đó, phải nhìn các sự vật như nhau, như “sắc bất dị không, không bất dị sắc” trong bài Bát Nhã Tâm Kinh mà tôi tụng mỗi ngày.

Cuộc viếng thăm Đại Tòng Lâm đã dạy tôi điều căn bản đó, tôi tập hoài mà vẫn chưa thực hành được!

 

Du Yên

 

 

 

 

Tien Le Publisher 2011 - All Rights Reserved